Dịch thuật: Bốn bộ tổng tập văn sử thời Bắc Tống

BỐN BỘ TỔNG TẬP VĂN SỬ THỜI BẮC TỐNG

          Tống Thái Tông 宋太宗 diệt Bắc Hán, để củng cố sự thống trị của vương triều Tống, ông đã tăng cường chế độ chính trị trung ương tập quyền, đồng thời cũng chú trọng đề xướng học thuật, tụ tập văn sĩ nam bắc, biên soạn điển tịch văn sử của các đời trước. Thời Thái Tông trước sau biên soạn được 3 bộ đại loại thư: Thái Bình ngự lãm 太平御览, Thái Bình quảng kí 太平广记, Văn uyển anh hoa 文苑英华. Thời Chân Tông 真宗 biên soạn thêm bộ Sách phủ nguyên quy 册府元龟, tổng xưng là “tứ đại thư” đời Tống.
          Tháng 3 năm 977, Tống Thái Tông lệnh cho Hàn lâm học sĩ Lí Phưởng 李昉, Hỗ Mông 扈蒙 … đem các sách cổ như Tu văn điện ngự lãm 修文殿御览 của Tổ Hiếu Trưng 祖孝征 thời Bắc Tề, Nghệ văn loại tụ 艺文类聚 của Âu Dương Tuân 欧阳询 thời Đường, Văn tư bác yếu 文思博要 của Cao Sĩ Liêm 高士廉, Phòng Huyền Linh 房玄灵 thời Đường cùng các thư tịch khác để “tham khảo các điều, phân định các mục” biên soạn thành sách. Tháng 12 năm thứ 8 niên hiệu Thái Bình 太平 (năm 983) hoàn thành, tổng cộng 1000 quyển, nguyên tên là Thái Bình tổng loại 太平总类, sau đổi là Thái Bình ngự lãm 太平御览. Toàn sách phân thành: thiên , thời tự 时序, địa , hoàng vương 皇王, thiên bá 偏霸, nhân sự 人事, binh , chức quan 职官 … gồm 55 bộ, 4558 loại, là bộ đại loại thư có quy mô to lớn. Bộ sách này thu thập hơn 1000 loại cổ tịch, đời sau không có truyền bản đều nhờ vào bộ sách này mà được lưu tồn.
          Tống Thái Tông cũng ra lệnh lấy Đạo tạng 道藏, Thích tạng 释藏 cùng dã sử, tiểu thuyết … biên soạn thành sách. Tháng 8 năm 978 hoàn thành, tổng cộng 500 quyển, mục lục 10 quyển, đặt tên là Thái Bình quảng kí 太平广记. Toàn sách phân thành: thần tiên 神仙, nữ tiên 女仙, đạo thuật 道术, phương sĩ 方士, đồng bộc nô tì  童仆奴婢, huyễn thuật 幻术, yêu vọng 妖妄, thần , quỷ , thảo mộc 草木, súc thú 畜兽 … gồm 92 loại lớn, hơn 150 loại nhỏ. Toàn sách thu thập những bút kí, tiểu thuyết, dã sử từ đời Hán đến đầu đời Tống gần 500 loại, bảo tồn được một số lượng lớn tiểu thuyết cổ đại và những tư liệu có liên quan đến kinh tế xã hội, chế độ điển chương. Đây là bộ tổng tập tiểu thuyết trọng yếu.
          Những văn tập của các danh gia trước đời Tống Thái Tông số lượng rất nhiều, nếu không được tuyển chọn sắp xếp thì khó mà lưu truyền. Tháng 9 năm 982, Thái Tông đã lệnh cho Hàn lâm học sĩ thừa chỉ Lí Phưởng 李昉, Học sĩ Hỗ Mông 扈蒙, Trực học sĩ viện Từ Huyền 徐铉, Trung thư xá nhân Tống Bạch 宋白 phân loại, biên soạn, thu thập những tinh hoa. Tháng 12 năm thứ 3 niên hiệu Ung Hi 雍熙 (năm 986) hoàn thành, tổng cộng 1000 quyển, mục lục 50 quyển, đặt tên là Văn uyển anh hoa 文苑英华. Bộ sách này nối theo bộ Chiêu Minh văn tuyển 昭明文选 đời Lương, thu thập thơ văn từ cuối đời Lương đến đời Đường gồm 19102 bài, phân thành 37 loại gồm phú, thi, ca hành, tạp văn, khải, thư, sớ, tự, luận, nghị, mộ biểu, hành trạng, tế văn … Trong mỗi loại lại phân một số mục nhỏ. Như loại phú, phân ra: thiên tượng 天象, tuế thời 岁时, địa , thuỷ , đế đô 帝都, ấp cư 邑居, cung thất宫室 … 40 mục nhỏ, bảo tồn được một số lượng lớn thơ văn từ thời Nam triều đến thời Đường. Đây là bộ tổng tập thơ văn cổ đại.
          Tháng 9 năm 1005, Tống Chân Tông lại sai Hình bộ thị lang, Tư chính điện học sĩ Vương Khâm Nhược 王钦若; Hữu ti gián, Tri chế cáo Dương Ức 杨亿 biên soạn sự tích quân thần các đời, năm 1913 hoàn thành, tổng cộng 1000 quyển, đặt tên là Sách phủ nguyên quy 册府元龟. Toàn sách từ thượng cổ đến thời Ngũ đại, sắp xếp theo thứ tự môn loại, Có 31 bộ phân thành: đế vương 帝王, nhuận vương 闰王, tiếm nguỵ 僭伪, tướng soái 将帅, bang kế 邦计, học hiệu 学校, hình pháp 刑法, nội thần 内臣, mục thú 牧守, ngoại thần 外臣; bộ có tổng tự; có 1104 môn, môn có tiểu tự. Ngoài ra còn có mục lục, âm nghĩa mỗi loại 10 quyển. Thu thập sử tịch cổ đại, kiêm cả những trứ tác của kinh bộ và sử bộ, chỉ không thu thập thuyết bộ. Để biên soạn bộ sách này, Tống Chân Tông đích thân nêu ý nghĩa, sách thành lại kí tên và viết lời tựa. Trong thư gởi cho Vương Khâm Nhược, Tống Chân Tông nói rằng:
          Phi độc thính chính chi hạ, tư vu phi lãm, diệc nãi khu biệt thiện ác thuỳ chi hậu thế, tỉ quân thần phụ tử các hữu giám giới.
非独听政之暇, 资于披览, 亦乃区别善恶垂之后世, 俾君臣父子各有鉴戒.
          (Không phải chỉ có lúc chính sự nhàn hạ, mở sách ra xem để hiểu biết, mà sách còn khu biệt thiện ác để lại gương cho đời sau, khiến vua tôi, cha con ai nấy đều biết tự răn mình)
         Biên soạn bộ sách này xuất phát từ mục đích chính trị, nhưng đối với sử  tịch trước đời Tống, bộ sách đã thu thập những sách thất lạc và hiệu khám, đặc biệt là bảo tồn được nhiều sử liệu nguyên thuỷ của thời Đường, thời Ngũ đại. Đây là bộ hội biên sử liệu rất quý.
          Sự đề xướng của Thái Tông triều Bắc Tống, đã mở đầu việc biên soạn loại thư. Thời Nam Tống, bộ Ngọc hải 玉海 của Vương Ứng Lân 王应麟 có 200 quyển, phân thành 21 môn loại, thu thập nhiều thực lục của các triều vua Tống cùng Quốc sử 国史, Nhật lịch 日历, sưu tập nhiều chuyện sử của đời Tống mà các sách khác không có. Đây cũng là bộ loại thư trọng yếu.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 6/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BẮC TỐNG TỨ BỘ VĂN SỬ TỔNG HỐI
北宋四部文史总汇
Trong quyển
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm (李少林)
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post