Dịch thuật: Vương Hi Chi và "Lan Đình tự"

VƯƠNG HI CHI VÀ “LAN ĐÌNH TỰ”


          Vương Hi Chi 王羲之 (321 – 379, có thuyết là 303 – 361) thư pháp gia thời Đông Tấn. Tự Dật Thiếu 逸少, người Lâm Nghi 临沂 Lang Nha 琅邪 (nay thuộc Sơn Đông 山东). Xuất thân quý tộc, làm quan tới chức Hữu quân tướng quân, Cối Kê nội sử, người đời xưng là “Vương Hữu Quân” 王有君. Nhân vì bất hoà với Vương Thuật 王述 nên từ quan, về định cư ở Sơn Âm 山阴 Cối Kê 会稽 (nay là Thiệu Hưng 绍兴 Triết Giang 浙江). Lúc trẻ theo Vệ phu nhân học thư pháp, về sau chính thư học với Chung Diêu 钟繇, thảo thư học với Trương Chi 张芝, thu thập sở trường của nhiều người tạo riêng cho mình phong cách. Các kiểu chữ lệ, chính, hành, thảo đều vượt hơn người xưa. Ông đã đem thư pháp thuần tuý phát triển tự nhiên dẫn đến chú trọng kĩ thuật, lấy đặc trưng cái đẹp không ngừng rèn luyện để đạt đến cảnh giới tinh xảo. Ông không chỉ được đương thời coi trọng mà người đời sau cũng tôn ông là “Thư thánh”. Người con thứ 7 của ông là Vương Hiến Chi 王献之, làm quan đến chức Trung thư lệnh, người đời gọi là “Vương Đại Lệnh” 王大令, cũng tinh thông thư pháp, đặc biệt nổi tiếng về hành thảo.Trên cơ sở kế thừa cách viết của phụ thân, ông đã cải biến phong cách cổ xưa lúc bấy giờ nên có xưng hiệu là “phá thể”. Cách viết của Vương Hiến Chi mạnh mẽ hào phóng, đầy khí thế, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Ông cùng với phụ thân được gọi là “Nhị Vương”. Khắc bản về bút tích của Nhị Vương rất nhiều, được in trong Trung Quốc thư pháp toàn tập 中国书法全集 do Vinh Bảo Trai 荣宝斋 xuất bản, có thư pháp Vương Hi Chi Vương Hiến Chi 王羲之王献之 quyển 1,2.
          Lan Đình tự 兰亭序 là tác phẩm đại biểu về hành thư của Vương Hi Chi, được khen là bảo thư:
“Đăng phong tháo cực, phong thần cái đại”
登峰造极, 风神盖代
(Đạt đến đỉnh cao, phong cách và thần khí trùm đời)
Và là “Thiên hạ đệ nhất hành thư” 天下第一行书.
          Theo truyền thuyết, vào ngày mồng 3 tháng 3 cuối xuân năm Vĩnh Hoà 永和 thứ 9 thời Đông Tấn (năm 353),  Vương Hi Chi cùng 42 danh sĩ lúc bấy giờ như Tạ An 谢安, Tôn Xước 孙绰 tụ họp ở Lan Đình 兰亭 thuộc Sơn Âm, Cối Kê, theo tập tục “Tu hễ” 修禊 (Tu hễ: là một loại tế tự thời cổ,  thời Nguỵ về sau lấy ngày mồng 3 tháng 3 vui chơi bên bờ nước để tiêu trừ tai ương bệnh tật, từ đó về sau thành tục), mượn “lưu thương” 流觞 (thả cho chén rượu trôi trên giòng nước) để uống rượu. Chén rượu dừng trước mặt người nào thì người đó trong một thời gian nhất định phải làm thơ, nếu làm không được sẽ bị phạt rượu. Nhóm Tạ An 15 người không làm được thơ, phạt mỗi người 3 li; nhóm Vương Hi Chi 11 người, mỗi người làm được 2 bài, một tứ ngôn, một ngũ ngôn; còn lại 15 người mỗi người làm 1 bài (1). Nhân lúc hứng, Vương Hi Chi liền lấy giấy tằm, tay cầm bút râu chuột làm bài tự cho mấy chục bài thơ đó. Bài tự này lúc bấy giờ không có tiêu đề, người đời sau gọi cũng không thống nhất. Đời Tấn gọi là Lâm hà tự 临河序, đời Đường gọi là Lan Đình thi 兰亭诗, cũng còn gọi là Lan Đình kí 兰亭记; Âu Dương Tu 欧阳修 đời Tống gọi là Tu hễ tự 修禊序; Tô Thức 苏轼 gọi là Lan Đình văn 兰亭文; Mễ Phế 米芾gọi là Lan Đình nhã tập tự 兰亭雅集序 v.v… Hiện nay đều gọi là Lan Đình tự 兰亭序.
          Lan Đình tự là tác phẩm đắc ý của Vương Hi Chi, truyền thuyết kể rằng, sau đó ông theo đó viết lại nhiều lần, nhưng “than rằng không thể theo kịp”, nên bức đó được xem là gia bảo truyền đời. Truyền đến người cháu đời thứ 7 là thiền sư Trí Vĩnh 智永, Trí Vĩnh là vị hoà thượng chùa Vĩnh Hân 永欣 ở Sơn Âm, thư pháp gia nổi tiếng thời Trần và Tuỳ. Khi sắp mất Trí Vĩnh giao Lan Đình tự cho đệ tử y bát chân truyền là Biện Tài 辨才. Biện Tài đã giấu bức Lan Đình tự ở một cái lỗ được tạc trên cây rường ở chính điện. Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 rất thích thư pháp của Vương Hi Chi, bí mật sai Tiêu Dực 萧翼 đến chỗ Biện Tài để lấy. Tiêu Dực biết không thể ép nên đã giả trang thành thư sinh đến chùa Vĩnh Hưng. Biện Tài cùng Tiêu Dực hai người trò chuyện rất hợp nhau. Từ đó hai người trở thành bạn thân, thường qua lại thăm nhau. Có một lần bàn về thư pháp, Tiêu Dực nói rằng:
         Tôi học qua khải thư của Nhị Vương, hiện ở nhà có lưu giữ một số bút tích của Nhị Vương.
          Tiêu Dực mời Biện Tài hôm sau đến xem. Hôm sau Biện Tài nhìn kĩ bút tích và nói rằng:
          Đúng là của Tổ sư, nhưng không phải là tác phẩm đẹp nhất, chỗ tôi có một…..
          Tiêu Dực liền hỏi là bức nào? Biện Tài đáp là Lan Đình tự. Tiêu Dực cười bảo rằng:
          Trải qua chiến loạn, làm gì còn, có lẽ là bức giả chăng?
          Biện Tài nói:
          Đó là bức mà thầy tôi được tổ sư truyền lại, khi sắp mất thầy tôi tận tay  giao cho tôi, giờ mời anh đi xem qua.
          Biện Tài từ cái lỗ trên cây rường lấy ra bức Lan Đình tự cho Tiêu Dực xem qua, rồi lại cung kính cất vào. Mấy ngày sau, nhân lúc Biện Tài không có ở chùa, Tiêu Dực đã lấy trộm bức Lan Đình tự, sau đó đến phủ quan trình thánh chỉ của Đường Thái Tông cho tìm bức Lan Đình tự. Lúc bấy giờ Biện Tài mới hiểu ra, nhưng không biết làm cách nào. Đường Thái Tông quý bức Lan Đình tự như viên minh châu, khi còn sống luôn ngắm nhìn, đến khi qua đời lấy làm vật bồi táng quý báu nhất trong lăng. Từ thời Ngũ đại sau khi bọn trộm đào trộm Chiêu Lăng 昭陵, bức Lan Đình tự không biết đi đâu, mọi người chỉ có thể nhìn thấy bức mô phỏng được lưu truyền.
          Trong nhiều bức mô phỏng, người đời quý trọng nhất các bức của Ngu Thế Nam 虞世南, Chử Toại Lương 褚遂良, Âu Dương Tuân 瓯阳询, Phùng Thừa Tố 冯承素. Nhưng Ngu, Chử, Âu đều là những đại thư pháp gia, về ngoại hình đương nhiên là tương cận, còn bút pháp không tránh khỏi theo ý mình. Phùng
Thừa Tố là người chuyên thác bản cho triều Đường Thái Tông, trực thuộc Hoằng Văn quán 弘文馆, ông nhiều lần vâng mệnh mô phỏng tác phẩm của Vương Hi Chi để thái tử, chư vương cùng đại thần học tập, Lan Đình tự cũng được chuyên tâm chế tác làm thành bản mô phỏng theo thánh chỉ. Theo truyền thuyết, cách mô phỏng này là trước tiên đặt giấy lên bức Lan Đình tự vẽ đường viền của chữ, sau đó dùng mực điền vào. Vì thế nét bút trong sáng, tương đối giống với bức gốc. tên gọi đầy đủ của bức mô phỏng này là Đường Phùng Thừa Tố song câu điền khuếch bản 唐冯承素双钩填廓本, chất liệu giấy, 28 hàng, 324 chữ. Nhân có dấu ấn nhỏ niên hiệu Thần Long 神龙 của Đường Trung Tông nên cũng gọi là Thần Long bản Lan Đình 神龙本兰亭. Bức này từng được đưa vào nội phủ triều Tống Cao Tông, đầu đời Nguyên về tay Quách Thiên Tích 郭天锡, đời Minh nhà Dương Sĩ Kì 杨士奇 lưu giữ, lại đến nhà Vương Tế 王济, rồi Hạng Nguyên Biện 项元汴. Đầu đời Thanh trải qua các nhà Tào Dung 曹溶, Trần Định 陈定, Quý Ngụ Dung 季寓庸 lưu giữ, thời Càn Long 乾隆 đưa vào nội phủ, hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Lan Đình tự được in trong Cố cung bác vật viện lịch đại thư pháp tuyển tập 故宫博物院历代书法选集, tập 1 và trong Trung Quốc mĩ thuật toàn tập – Nguỵ Tấn Nam Bắc triều thư pháp 中国美术全集魏晋南北朝书法.
          Thư pháp Lan Đình tự kiêm hành kiêm khải, từ đầu đến cuối thuận tay viết liền một mạch, về bố cục, dọc thì có hàng còn ngang thì không. Giữa hàng với hàng đại thể tương đồng, nhưng có chỗ rộng có chỗ hẹp, khúc chiết. Kết cấu của chữ biến hoá nhiều tư thế. Như với 20 chữ “chi” , 8 chữ “dĩ” , 7 chữ “bất” , xuất hiện nhiều lần, nhưng chữ mỗi lần đều khác nhau. Dụng bút cực kì tinh xảo, chữ thô thì tráng kiện không mập, chữ nhỏ thì thanh tú không mềm, nặng nhẹ nhanh chậm, tự thành tiết luật, đường nét tươi đẹp hào phóng, thể thái viên dung trung hoà, đưa chúng ta tiến đến cảnh giới mĩ học điêu luyện, vô cùng tinh tế.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1) Trong nguyên tác, có 15 người không làm được thơ, 11 người mỗi người làm được 2 bài, 15 người mỗi người làm được 1 bài, như vậy tổng cộng có 41 người.
          Có tài liệu cho rằng: có 16 người không làm được thơ, 11 người mỗi người làm được 2 bài, 15 người mỗi người làm được 1 bài, như vậy tổng cộng có 42 người.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 25/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
VƯƠNG HI CHI “LAN ĐÌNH TỰ”
王羲之兰亭序
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post