Dịch thuật: Tôn sư trọng đạo là mĩ đức

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ MĨ ĐỨC

          Học trò đối với thầy của mình phải kính trọng, tôn sư là đạo đức cơ bản nhất mà học trò phải có. Thời cổ ở Trung Quốc đã hình thành một hệ thống chuẩn tắc tôn sư. Học trò nhập học, trước tiên phải làm lễ bái sư. Nghi lễ bái sư đời Thanh là: chính giữa phòng học đặt một chiếc bàn, học trò bưng “chí” (vật dùng trong lễ tương kiến) đợi ở ngoài, thầy ra mời vào, học trò bước vào đặt “chí” lên bàn, hướng đến bài vị Khổng Tử 孔子 quỳ lạy, sau đó hướng đến thầy quỳ lạy, thầy đứng vái đáp lại. Hàng ngày cứ sáng sớm vào học, chiều tối ra về đều phải kiến diện vái lạy thầy. Lúc học, khi thầy hỏi phải đứng dậy trả lời, khi có yêu cầu nhờ thầy, cũng phải đứng dậy. Thầy giảng giải, học trò buông tay cung kính lắng nghe, thầy cho ngồi mới được ngồi. Những nghi thức này vẫn còn đến ngày nay. Khi thầy rảnh rỗi, học trò phải đứng hầu bên cạnh, thầy bảo ngồi phải ngồi một bên. Nếu thầy đứng, học trò không thể ngồi. Giữa đường gặp thầy, phải cung kính đi đến trước mặt hành lễ, sau đó đứng qua một bên đợi thầy đi rồi mới đi (Thanh sử cảo – Lễ chí thập 清史稿礼志十; Lí Quan Lan 李观澜: “Hương thục chính ngộ” 乡塾正误 ).
          Dâng “chí” trong lễ bái sư còn được gọi là “Thích thái lễ” 释菜礼. “Thích” có nghĩa là “phóng” (đặt, để); “Thích thái” 释菜 tức đem thức ăn làm “chí” dâng lên thầy, đây là một lễ tục tôn sư cổ xưa. Thời Tiên Tần, “ chí” mà học trò lần đầu tiên mang đến ra mắt thầy là món ăn, tức:
Cổ giả, sĩ kiến sư, dĩ thái vi chí.
古者, 士见师, 以菜为贽
(Thời cổ, học trò ra mắt thầy, lấy món ăn làm “chí”)
                                         (Minh hội yếu – Tiên sư Khổng Tử 明会要 - 先师孔子)
          Học trò bái kiến thầy lấy món ăn làm “chí” biểu hiện tấm lòng khiêm cung thành tâm của mình đối với việc học tập. Các loại lễ “chí” cổ đại dần biến mất, nhưng lễ ra mắt tôn sư vẫn được lưu truyền. Thời Minh Thanh, các tư thục ở phương bắc có tập tục đến ngày Đông Chí hướng đến bài vị Khổng Tử “thích thái”, sau khi dâng món ăn, thầy cùng các học trò lần lượt theo thứ tự bái lạy Khổng Tử, sau đó học trò bái lạy thầy (Trung Hoa toàn quốc phong tục chí – Thuận thiên 中华全国风俗志 - 顺天). Một số địa phương có khác, khi học trò bái sư thì dâng món ăn lên thầy của mình. Học giả Trương Khỉ Đường 张芑堂 người Triết Giang đời Thanh, lúc nhỏ bái Đinh Kính Thân 丁敬身 làm thầy, lần đầu tiên đến trường, mang trên lưng 2 trái bí đỏ. Thầy vui vẻ nhận tấm lòng thành kính của ông, đích thân đem nấu rồi cả hai thầy trò cùng ăn, câu chuyện ấy trở thành giai thoại (Thanh bại loại sao – Sư hữu loại 清稗类钞 - 师友类).
          Học trò tôn kính thầy, thành tâm theo học, nhận được sự mến mộ của xã hội, và cũng đã xuất hiện không ít những tấm gương khiến mọi người khen tặng.  Dương Thời 杨时 đời Tống, theo học với Lí học gia Trình Hạo 程颢. Không may Trình Hạo qua đời, ông vô cùng đau buồn, thiết linh vị tế điện bái khóc. Và để kế tục việc học, ông bái người em của Trình Hạo là Trình Di 程颐 làm thầy. Có một lần, Dương Thời hẹn cùng bạn là Du Tạc 游酢 đến nhà thầy để thỉnh giáo. Khi đến nhà thầy, trời đang đổ tuyết, gặp lúc Trình Di đang ngủ. Sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của thầy, Dương Thời lặng lẽ lui ra ngoài cửa đợi. Lúc thầy  tỉnh dậy, tuyết đã rơi dày hơn 1 xích, Dương Thời và Du Tạc đã thành người tuyết (Tống sử - Dương Thời truyện 宋史 - 杨时传). Sự tôn kính thầy của Dương Thời và Du Tạc, cùng với hành vi thành tâm cầu học không ngại mưa tuyết của họ đã cảm động lòng người, và được xem là tấm gương tôn sư trọng đạo.  Câu chuyện đó trở thành điển cố “Trình môn lập tuyết” 程门立雪.
          Tiết Kính Chi 薛敬之 đời Minh theo học với học giả Chu Tiểu Tuyền 周小泉, mỗi ngày khi gà gáy đã dậy đợi thầy mở cửa, vào quét dọn sắp xếp bàn ghế. Khi thầy ngồi yên liền cung kính quỳ xin chỉ dạy.
          Trâu Thủ Ích 邹守益 người Cát Châu 吉州, học rộng biết nhiều. Gặp lúc danh sĩ ở Cam Tuyền 甘泉 là Trạm Lộ 湛路 đi qua Cát Châu, Trâu Thủ Ích đã đón từ xa, tôn Trạm tiên sinh làm thầy, hư tâm cầu học, hiếu kính giống như đối với cha mẹ. Sớm thăm tối viếng, lúc ăn đứng hầu. Khi tiên sinh đi, ông đưa tiễn, nước mắt thấm ướt vạt áo. (Cổ kim đồ thư tập thành – Giao nghị điển – Sư hữu bộ 古今图书集成 - 交谊典- 师友部).
          Thầy sở dĩ được đặc biệt tôn trọng như vậy còn do bởi người xưa có quan niệm rằng, đối với việc cá nhân an thân lập mệnh và “tài” “đức” xử thế, người thầy có công bồi dưỡng giáo dục quan trọng. Một người trong quá trình trưởng thành, ngoài sự giáo dục của cha mẹ, còn dựa vào sự dạy bảo của thầy. Thầy dạy cho học trò kĩ năng cùng với những quy phạm hành vi xử thế. Cho nên người xưa nói rằng:
          Nhân chi thường tôn, viết quân, viết phụ, viết sư, tam giả nhi dĩ. … Quân chi vu thần, phụ chi vu tử, lực hữu sở bất cập xứ, lại sư chi giáo nhĩ, cố sư chi đức phối quân phụ.
          人之常尊, 曰君, 曰父, 曰师, 三者而已. ….. 君之于臣, 父之于子, 力有所不及处, 赖师以教尔, 故师之德配君父.
          (Người mà mọi người phải thường tôn kính đó là vua, cha và thầy, chỉ 3 người đó mà thôi … Vua đối với bề tôi, cha đối con có chỗ không tới được, phải nhờ thầy dạy bảo cho, cho nên đức của thầy phối cùng vua và cha)
          (Cổ kim đồ thư tập thành – Giao nghị điển – Sư hữu bộ 古今图书集成 - 交谊典- 师友部).
          Đem ân đức của thầy sánh với cha, nên thầy không chỉ có danh xưng “Ân sư” mà còn được học trò gọi là “Sư phụ”, vợ của thầy được gọi là “Sư mẫu”.
Đức nghiệp chi sư, dĩ phụ đạo sự chi.
德业之师, 以父道事之
(Thầy dạy ta đạo đức học vấn, ta phải lấy lễ thờ cha để thờ thầy)
Sư đồ như phụ tử
师徒如父子
(Thầy với trò như cha với con)
          Đó là những danh ngôn kính trọng thầy xưa nay. Quả thực học trò thời xưa hiếu kính thầy giống như hiếu kính cha mẹ. Trong Lã thị Xuân Thu – Khuyến học 吕氏春秋 - 劝学 có ghi:
Sinh tắc cẩn dưỡng, tử tắc kính tế
生则谨养, 死则敬祭
(Lúc còn sống cung kính phụng dưỡng, lúc mất cung kính tế tự)
Đó gọi là tôn sư. Khi thầy và trò cùng sinh hoạt ở trường, học trò phải để ý đến việc sinh hoạt hàng ngày của thấy. Trong Quản Tử 管子 quyển 19, thiên Đệ tử chức 弟子职 nói rất cụ thể:
Tiên sinh tương thực, đệ tử soạn quỹ, nhiếp nhậm quán sấu, quỵ toạ nhi quỹ
先生将食, 弟子馔馈, 摄任盥漱, 跪坐而馈.
          Câu này ý nói là khi thầy sắp dùng cơm, học trò chuẩn bị bữa ăn cho thầy, đợi thầy rửa tay súc miệng xong, sau đó mới cung kính dâng lên. Đến đời Thanh, trong chuẩn tắc của một số trường địa phương vẫn còn những quy định tương tự như thế, yêu cầu học trò đứng hầu bên cạnh khi thầy dùng cơm, bưng mâm cung kính, mọi việc đều phải cung kính. Thầy dùng xong, đến trước thầy hỏi: Thầy ăn có ngon không? rồi lui. (Tiết Vu Anh: Linh Hiệp học tắc 薛于瑛: 灵峡学则). Thầy mất phải cung kính tế lễ, học trò phải tế tự giống như tế tự cha mẹ đã mất của mình. Thời Tống, Nhạc Phi 岳飞 học với Chu Đồng 周同, khi Chu Đồng mất, Nhạc Phi ngày mồng một ngày rằm đều tế nơi mộ thầy (Tống sử - Nhạc Phi truyện 宋史 - 岳飞传). Trước thời Nguỵ Tấn, có nhiều người để tang cho thầy. Sau khi Khổng Tử qua đời, học trò đều để tang, sau khi mai táng, học trò đều cất nhà bên mộ, giữ tâm tang, trong đó Tử Cống 子贡 lư vu mộ lục niên 庐于墓六年(Khổng Tử gia ngữ - Chung kí giải 孔子家语 - 终记解), tức lợp nhà tranh bên mộ Khổng Tử, bầu bạn cùng thầy đã mất. “Lư mộ” 庐墓 là một tập tục con để tang cha mẹ của thời cổ. Diên Đốc 延笃, Phùng Vị 冯胃 thời Đông Hán, Vương Lãng 王朗 thời Nguỵ Tấn cũng đều để tang cho thầy, trong đó Diên Đốc, Vương Lãng đều đã làm quan, nghe tin thầy mất, đau buồn khôn xiết liền từ quan về chịu tang (Hậu Hán thư – Diên Đốc truyện 后汉书 - 延笃传; Tam quốc chí – Vương Lãng truyện 三国志 - 王朗传). Thầy gặp nạn, bị tội, học trò liều mình để cứu hoặc chịu tội thay cho thầy cũng có nhiều. Dương Chính 杨政 thời Đông Hán, theo học với Phạm Thăng 范升. Phạm Thăng bị tội giam vào ngục, Dương Chính bèn cởi trần, lấy tên xuyên qua tai, bồng con của Phạm Thăng ẩn bên đường (1), đợi xa giá của hoàng đế đi qua kêu oan cho thầy. Thị vệ hộ giá lấy cung bắn, cũng không chịu đi, kị binh đi đầu lấy kích đâm, Dương Chính bị thương, vẫn không chịu lui, khóc lóc cầu xin. Cuối cùng hoàng đế cảm động hành vi của Dương Chính, cho phóng thích Phạm Thăng (Hậu Hán thư – Dương Chính truyện 后汉书 - 杨政传). Âu Dương Hấp 欧阳歙 bị tội, học trò hơn ngàn người nằm bên cửa khuyết cầu xin, trong số đó có một người tên là Lễ Chấn 礼震 xin được chết  để thế tội cho thầy (Hậu Hán thư – Âu Dương Hấp truyện后汉书 - 欧阳歙传 ). Tế tửu Quốc tử giám đời Minh là Lí Thời Miễn 李时勉, do bởi đụng đến hoạn quan Vương Chấn 王振, bị Vương Chấn vu cáo nên phải chịu gông trước Quốc tử giám. Học trò đều cầu xin, có Thạch Đại Dụng 石大用 người Tô Châu dâng sớ lên xin chịu tội thay, viết rằng:
….. khất dung thần đại gia, dĩ toàn sư sinh ân nghĩa.
….. 乞容臣代枷, 以全师生恩义
(….. xin cho thần được thay thầy mang gông, để trọn ân nghĩa thầy trò)
          Sớ dâng lên, thầy liền được tha (Cổ kim đồ thư tập thành – Giao nghị điển – Sư hữu bộ 古今图书集成 - 交谊典- 师友部).
          Tình nghĩa thầy trò giống như cha con nêu ở trên đã biểu hiện mối quan hệ thầy trò đặc thù ở thời cổ Trung Quốc. Trong quan niệm đạo đức luân lí phong kiến thời bấy giờ, tình cảm như thế quả thực là cảm động, được ngợi khen là:
          Thành phát vu trung, nghĩa hình vu ngoại, túc dĩ báo sư tư chi đức, đôn phong giáo chi bản, thành sĩ đại phu chi ý hạnh tai.
诚发于衷, 义形于外, 足以报师资之德, 敦风教之本, 诚士大夫之懿行哉.
          (Lòng thành ở bên trong, điều nghĩa hiện ra bên ngoài, đủ để báo đáp công đức của thầy, đôn đốc cái gốc của việc giáo hoá, thực là cái hạnh tốt đẹp của sĩ đại phu)
(Sách phủ nguyên quy – Nhân bộ - Sư đạo 册府元龟 - 人部 - 师道)
                                                                         (còn tiếp)
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Cởi trần tức “nhục đản” 肉袒: một hình thức dùng để biểu thị sự tôn kính hoặc lo sợ khi tế tự hoặc khi tạ tội ở thời cổ.
- Tên xuyên qua tai tức “dĩ tiễn quán nhĩ” 以箭贯耳 là một trong những hình phạt ở thời cổ.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn ngày 4 tháng 6 năm 2012
Previous Post Next Post