Dịch thuật: Tuyển tập thơ văn sớm nhất của Trung Quốc

TUYỂN TẬP THƠ VĂN SỚM NHẤT
 CỦA TRUNG QUỐC

          Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, văn học Trung Quốc rất phát triển, xuất hiện nhiều văn học gia kiệt xuất và những tác phẩm ưu tú. Lúc bấy giờ, trước một biển sách mênh mông, cần phải có sự hướng dẫn để đọc được những tác phẩm ưu tú của các đời một cách có hiệu quả, vì thế có người từ những kinh nghiệm liên quan đến sách vở của mình đã đưa ra những cống hiến cho xã hội, một số tập về những tác phẩm văn chương ưu tú được hình thành, như Văn chương biệt lưu (文章别流) của Chí Ngu (挚虞) thời Tây Tấn, Hàn lâm luận (翰林论) của Lí Sung (李充) đầu thời Đông Tấn. Đáng tiếc là những tập này đã thất truyền.
          Bộ tổng tập văn chương sớm nhất hiện tồn cũng được sản sinh trong thời kì này, đó chính là bộ Văn tuyển (文选) của Tiêu Thống (萧统).
          Tiêu Thống (501 – 531) tự Đức Thi (德施), tiểu tự Duy Ma (维摩), người Nam Lan Lăng (南兰陵) (nay là phía tây bắc Thường Châu 常州 Giang Tô 江苏). Ông là con trưởng của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (萧衍) nhà Lương thời Nam triều. Năm Thiên Giám (天监) thứ nhất đời Vũ Đế (năm 502), ông được lập làm Thái tử, nhưng năm 31 tuổi ông qua đời vị bệnh, có tên thuỵ là Chiêu Minh (昭明), người đời gọi ông là Chiêu Minh Thái tử.
          Tiêu Thống từ nhỏ đã rất thông minh, yêu thích đọc sách. Theo truyền thuyết, lên 5 tuổi ông đã đọc hết kinh điển của Nho gia, đối với chữ trong sách, xem qua một lượt mấy hàng, sau đó gấp sách lại ông vẫn nói được nội dung một cách rõ ràng. Về sau Tiêu Thống mê Phật học, viết ra nhiều bài văn hay.
          Tiêu Thống còn kết giao với nhiều người thông tuệ, có tài, có kiến thức, đọc nhiều sách vở. Cung Thái tử của ông trở thành một tàng thư điện to lớn, thu thập hơn 3 vạn sách vở từ thời đó trở về trước. Như vậy, vây quanh Thái tử Tiêu Thống, hình thành một trung tâm văn học “danh tài tịnh tập” (名才并集 – các danh tài đều tụ tập về). Một nhóm “tài học chi sĩ” ra vào cung Thái tử, ngao du trong biển sách, bọn họ bàn luận những tác phẩm cổ điển, nghiên cứu thư tịch cổ kim. Trong môi trường nghiên cứu trứ thuật văn chương thuận lợi như vậy, tất cả đều có được sự nhất trí trên cơ sở cùng nhận thức. Một vấn đề đặt ra đó là với rất nhiều điển tịch cổ đại, người đời sau rất khó mà đọc hết, và thế là Tiêu Thống đã có điều kiện biên soạn bộ Văn tuyển.
          Bộ Văn tuyển gồm 30 quyển, chia làm 38 loại, với hơn 700 tác phẩm thơ văn là bộ tổng tập văn học khởi đầu từ đời Chu đến đời nhà Lương. Nhân vì do Chiêu Minh Thái tử Tiêu Thống biên tuyển nên người đời sau gọi bộ tổng tập đó là Chiêu Minh văn tuyển.
          Văn tuyển rốt cuộc chọn những tác phẩm nào, không chọn những tác phẩm nào, Tiêu Thống đều suy nghĩ rất kĩ. Lúc bấy giờ Tiêu Thống sơ bộ đã chú ý đến sự khu biệt giữa tác phẩm văn học với những trứ tác thuộc các loại hình khác, vì vậy có thể nói Văn tuyển là tuyển tập thơ văn sớm nhất hiện tồn.
          Đầu tiên, những kinh sách của thánh hiền tuyên truyền cho đạo đức không chọn; những trứ tác triết học của chư tử lấy tư biện làm nòng cốt không chọn; đối với những sử thư ghi theo kỉ sự, chỉ chọn những bộ phận luận tán mang màu sắc và phong thái văn học, ngoài ra nếu liên quan đến miêu thuật nhân quả của lịch sử cũng không chọn.
          Tiêu Thống cho rằng văn chương phải “lệ nhi bất phù, điển nhi bất dã” (丽而不浮典而不也 – đẹp nhưng không phù phiếm, mẫu mực nhưng không quê mùa). Những tác phẩm được chọn đều là “sự xuất vu trầm tư, nghĩa quy hồ hàn tảo” (事出于沉思, 义归乎翰藻) cũng chính là nói tác phẩm phải qua sự trầm tư suy nghĩ chín chắn của tác giả để có được văn từ hoa mĩ mới có thể được chọn vào Văn tuyển. Có thể thấy về văn học, Tiêu Thống vừa chú trọng nội dung vừa chú trọng hình thức, văn và chất đều xem nặng như nhau.
          Do bởi Văn tuyển chú ý đến màu sắc văn chương cho nên không ít những thơ văn ưu tú nhờ sinh mệnh của Văn tuyển mà được lưu truyền, bảo tồn đến ngày nay, cho nên nói, Văn tuyển là tư liệu tham khảo trọng yếu để nghiên cứu văn học từ triều Lương trở về trước. Đối với những tác phẩm thơ văn phù diễm, nội dung sáo rỗng thịnh hành lúc bấy giờ Văn tuyển không chọn. Đương nhiên, cũng có một số thơ văn hay nhưng do bởi thiếu sự hoa mĩ mà Văn tuyển nhấn mạnh nên chưa được thu nhập. Điều này do phong khí của văn đàn lúc bấy giờ thậm chí do phong cách của Văn tuyển quyết định, khiến không ít học giả đời sau cảm thấy có chút đáng tiếc.
          Văn tuyển vừa ra đời đã được hoan nghinh. Và theo nhu cầu đọc Văn tuyển của mọi người, về sau có không ít học giả đã viết lời chú. Khoảng niên hiệu Hiển Khánh (显庆) đời Đường, Lí Thiện (李善) sưu tập rất nhiều tư liệu, đem bộ Văn tuyển phân thành 60 quyển tiến hành chú giải, cung cấp cho người đời sau những điểm nghiên cứu có giá trị. Sau khi bản chú giải của Lí Thiện ra đời, Văn tuyển lại được lưu truyền rộng rãi. Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (开元) nhà Đường, lại có Lữ Diên Tế (吕延济), Lưu Lương (刘良), Trương Tiển (张铣), Lữ Hướng (吕向), Lí Châu Hàn (李周翰) 5 người hợp chú bộ Văn tuyển, gọi là Ngũ thần chú (五臣注). Nhưng họ chỉ chú trọng giải thích tự cú, khác với bản chú của Lí Thiện.
          Chiêu Minh văn tuyển có ảnh hưởng rất lớn đối với văn học đời sau. Từ thời Đường trở đi, văn nhân luôn lấy nó làm giáo trình đầu tiên để học tập văn học. Đỗ Phủ (杜甫) thi nhân nổi tiếng đời Đường từng yêu cầu con mình phải “thục độc Văn tuyển lí” (熟读文选理 – đọc thuộc Văn tuyển). Lục Du (陆游) đời Tống cũng từng nêu câu ngạn ngữ trong dân gian:
“Văn tuyển” lạn, tú tài bán.
文选, 秀才半
Ý nói ai đọc thuộc Văn tuyển cũng đã là gần một nửa tú tài rồi. Đời sau nhờ những gợi mở ở Văn tuyển đã xuất hiện không ít những tuyển tập văn học tương đối tốt.

                                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn ngày 19 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỐI TẢO ĐÍCH THI VĂN TUYỂN TẬP
最早的诗文选集
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
QUỐC GIA CHÍNH TRỊ - LỊCH SỬ VĂN HOÁ
中国之最
国家政治 - 历史文化
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ (刘振宇)
Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.

Previous Post Next Post