Dịch thuật: Hàm ý danh và tự của Ngô Kính Tử

HÀM Ý DANH VÀ TỰ CỦA NGÔ KÍNH TỬ

          Ngô Kính Tử (吴敬梓), tác giả bộ Nho lâm ngoại sử (儒林外史) là tiểu thuyết gia nổi tiếng đời Thanh, người huyện Toàn Tiêu (全椒) tỉnh An Huy (安徽), tự Mẫn Hiên (敏轩), Văn Mộc (文木), hiệu Lạp Dân (粒民), nhân vì một thời gian dài sống ở Nam kinh nên cũng tự gọi mình là “Tần Hoài ngụ khách” (秦淮寓客).
          Ngô Kính Tử xuất thân từ danh gia vọng tộc, theo truyền thuyết, cụ cao tổ Ngô Bái (吴沛) là hậu duệ của Chu Thái Vương thứ tử Trọng Ung (仲雍), cho nên, Ngô Kính Tử cũng tự xưng là hậu nhân của Trọng Ung. Thế hệ của cụ tằng tổ có đến 4 Tiến sĩ, thế hệ của tổ phụ cũng có nhiều người thi đậu, nhưng đến đời phụ thân của Ngô Kính Tử, gia cảnh bắt đầu suy thoái.
          Từ nhỏ Ngô Kính Tử đã nhiệt tâm với thi cử, khát vọng công danh. Danh, tự, hiệu của ông đã phản ánh sâu sắc tư tưởng này.
          Tên “Kính Tử” (敬子) là do vị thầy dạy vỡ lòng đặt cho. “Tử” () là một loại cây quý, chất gỗ nhẹ và mịn, là nguyên liệu rất tốt để chế tạo đàn, được khen là “mộc trung chi vương” (木中之王 – vua của loài thân mộc). Đặt tên “Kính Tử” là hi vọng sau này ông sẽ trở nên có tài như cây “tử”.
           “Văn Mộc” (文木) cũng là loại gỗ quý, chất gỗ chắc mịn, màu như màu sừng trâu, thời cổ thường dùng để ví với nhân tài ưu tú. Trong Trang Tử - Nhân gian thế (庄子 - 人间世) có câu:
Nhược tương tỉ dư vu văn mộc da
若将比予于文木邪
(Đem ta sánh với văn mộc ư)
          Danh và tự của Ngô Kính Tử đều lấy ý là loại cây tốt được người đời yêu quý, ông còn đặt tên cho thư phòng của mình là “Văn Mộc sơn phòng” (文木山房), có cả Văn Mộc sơn phòng tập (文木山房集). Những điều này đủ để nói lên khát vọng bức thiết thành danh thành tài của ông.
          Ngô Kính Tử còn có một tự khác là Mẫn Hiên (敏轩). “Hiên” () là loại xe có càng và có màn che, dành cho khanh đại phu hoặc phu nhân chư hầu đi. “Mẫn” () có nghĩa là nhanh nhẹn, thông minh, cần mẫn. “Mẫn Hiên” tức lấy ý nhanh chóng có được công danh phú quý.
          Đáng tiếc là những danh và tự này không mang lại công danh lợi lộc cho ông, tuy với tài học xuất chúng nhưng không thành công trên con đường khoa cử. Năm 20 tuổi ông đậu Tú tài, thời gian sau không có tiến triển gì hơn. Cuộc sống hiện thực đã khiến ông nhận thức được sự hôn ám chốn quan trường, sự hủ bại của chế độ khoa cử và cả sự dung tục hư nguỵ của văn nhân danh sĩ. Từ chỗ nhiệt tâm với khoa cử ông đã chuyển sang chán ghét, từ chỗ khát vọng công danh phú quý đã chuyển sang vứt bỏ. Dựa vào sự thể nghiệm thiết thân, Ngô Kính Tử đã viết Nho lâm ngoại sử, bộ tiểu thuyết châm biếm kiệt xuất vạch trần chế độ khoa cử , đả kích lễ giáo phong kiến.
          Ngô Kính Tử không đạt được thành công trên con đường khoa cử mà ông từng theo đuổi, nhưng ông để lại cho đời sau một bộ tiểu thuyết kinh điển, tên của ông nhân đó mà được lưu vào sử sách, điều này có lẽ khi còn sống Ngô Kính Tử không hề nghĩ đến.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn ngày 27 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGÔ KÍNH TỬ DANH TỰ ĐÍCH HÀM Ý
吴敬梓名字的含意
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
            Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.

Previous Post Next Post