Dịch thuật: Biến pháp của Thương Ưởng

BIẾN PHÁP CỦA THƯƠNG ƯỞNG

          Thương Ưởng 商鞅 (năm 390 – năm 338 trước công nguyên), người nước Vệ , họ Công Tôn 公孙, tên Ưởng . Từ nhỏ ông đã thích học hình danh, từng nhậm chức ở nước Nguỵ . Tần Hiếu Công nguyên niên (năm 391 trước công nguyên) “hạ lệnh tìm người hiền trong nước”, Thương Ưởng rời Nguỵ sang Tần, trước sau chủ trì 2 lần biến pháp cho nước Tần, đó là vào năm Hiếu Công thứ 3 và năm thứ 12 đạt được thành công lớn. Về sau nhân có công đánh bại nước Nguỵ được ban tước Hầu, phong 15 ấp ở đất Thương (nay là phía đông nam huyện Thương tỉnh Thiểm Tây), lấy hiệu là Thương Quân 商君, nên người đời gọi ông là Thương Ưởng. Hoạt động biến pháp mà ông 2 lần chủ trì, ngoài biện pháp kinh tế cày cấy dệt vải, phát triển sản xuất, còn có những nội dung quan trọng về cải cách pháp chế dưới đây:
          - Thứ 1: nghiêm khắc thực hiện nguyên tắc “pháp trị” 法治, “trọng hình”重刑.
         Thương Ưởng đã đem Pháp kinh 法经 của Lí Khôi 李悝 nước Nguỵ thực hiện rộng rãi ở nước Tần, xác lập nguyên tắc chỉ đạo pháp chế của “pháp trị” và “trọng hình”.
          - Thứ 2: phế bỏ chế độ thế khanh thế lộc, thực hành chế độ quân công tứ tước.
          Biến pháp của Thương Ưởng quy định:
Tông thất phi hữu quân công luận, bất đắc vi thuộc tịch (1)
宗室非有军功论, 不得为属籍
           (Người trong tôn thất mà chẳng có quân công thì không được ghi tên vào phổ tịch)

Hữu công giả hiển vinh, vô công giả tuy phú vô sở phân hoa (2)
有功者显荣, 无功者虽富无所芬华
          (Người có công thì được hiển vinh, những người không có công tuy là giàu có cũng không được vinh hoa)
          Về mặt pháp luật, phế bỏ đặc quyền đẳng cấp mà quý tộc các cấp nối đời hưởng thụ, thực hành chế độ có quân công thì được ban tước lộc, tức bất luận địa vị cao thấp:
Hữu quân công giả, các dĩ suất thụ thượng tước (3)
有军功者, 各以率受上爵
(Người có quân công, cứ theo đó mà được ban tước)

          Năng đắc giáp thủ nhất giả, thưởng tước nhất cấp, ích điền nhất khoảnh, ích trạch cửu mẫu (4)
能得甲首一者, 赏爵一级, 益田一顷, 益宅九亩
          (Những ai chém được 1 đầu giáp sĩ phía địch sẽ được thưởng 1 cấp tước vị, thưởng ruộng 1 khoảnh, thưởng đất 9 mẫu)
          - Thứ 3: phế bỏ chế độ phân phong tông pháp, kiến lập chế độ quốc quân tập quyền.
          Cả nước:
Tập tiểu hương ấp tụ vi huyện, trí Lệnh, Thừa, phàm tam thập nhất huyện (5)
集小乡邑聚为县, 置令, , 凡三十一县
          (Hợp các thôn ấp nhỏ lại lập thành huyện, đặt chức Lệnh và Thừa, có tất cả 31 huyện)
          Các huyện này trực tiếp lệ thuộc quốc quân, quan huyện lệnh địa phương cũng do quốc quân bổ nhiệm hoặc bãi miễn, kiến lập chế độ quan liêu khống chế tập quyền chuyên chế:
          Thủ pháp thủ chức chi lại, hữu bất hành vương pháp giả, tội tử bất xá, hình cập tam tộc (6).
守法守职之吏, 有不行王法者, 罪死不赦, 刑及三族
          (Quan lại chấp hành pháp lện, quan lại đương chức, nếu không thực hành theo vương pháp thì bị tội chết không tha, hình phạt đến cả ba họ)
          Đối với những ai tố cáo, tố giác sẽ được thưởng:
Quan trưởng chi quan tước điền lộc (7).
官长之官爵田禄
(Có thể kế thừa quan tước, ruộng đất cùng bổng lộc)
để dẹp nạn cát cứ phân liệt ở địa phương.
          - Thứ 4: bỏ đường ngang đường dọc ở bờ ruộng, cải cách chế độ ruộng đất và thuế khoá
          Biến pháp của Thương Ưởng thực hành rộng rãi việc cải cách chế độ ruộng đất, mở rộng cương giới của ruộng, quy hoạch lại ruộng đất, đem ruộng phân phối cố định đến các hộ, đồng thời thay đổi phương thức lao dịch trước đây, thực hành trưng thâu “cống thuế” và lao dịch, binh lính dựa theo hộ, theo nhân khẩu.
          - Thứ 5: sáng lập chế độ thập ngũ liên toạ, thực thi pháp lệnh tưởng thưởng người cáo giác
          Đồng thời với việc thi hành chế độ cấp huyện, dưới cấp huyện còn lập ra các tổ chức cơ sở như hương, ấp.
Lệnh dân vi thập ngũ, nhi tương mục tư liên toạ (8)
令民为什五, 而相牧司连坐
          (Lệnh cho dân cứ 10 nhà biên chế thành 1 thập, 5 nhà biên chế thành 1 ngũ, kiểm soát và ràng buộc lẫn nhau)
         Đồng thời thực hiện pháp lệnh thưởng người cáo giác kẻ gian, nghiêm trị kẻ chấp chứa kẻ gian.
          Bất cáo gian giả yêu trảm, cáo gian giả dữ trảm địch thủ đồng thưởng, nặc gian giả dữ hàng địch đồng tội (9)
不告奸者腰斩, 告奸者与斩敌首同赏, 匿奸者与降敌同罪
          (Ai không tố cáo kẻ gian sẽ bị chém ngang lưng, tố cáo kẻ gian và chém đầu giặc, thưởng như nhau; dấu kẻ gian và hàng giặc, tội như nhau)
          - Thứ 6: loại bỏ tập tục cũ đánh nhau vì việc riêng, phát triển kinh tế tiểu nông cá thể.
          Đối với tập tục lạc hậu đánh nhau vì việc riêng được bảo lưu trường kì ở nước Tần, biến pháp của Thương Ưởng đã:
Lệnh dân phụ tử huynh đệ đồng thất nội tức giả vi cấm (10).
(Lệnh cho dân, cha con anh em không được ở chung một nhà)

Dân hữu nhị nam dĩ thượng bất phân dị giả, bội kì phú (11)
民有二男以上而不分异者, 倍其赋
(Nhà có 2 con trai trở lên mà không chia ở riêng thì bị đánh thuế gấp đôi)
          Đồng thời quy định nghiêm nhặt, trong dân gian:
Vị tư đấu giả, các dĩ khinh trọng bị hình đại tiểu (12)
为私斗者, 各以轻重被刑大小
         (Vì việc riêng mà đánh nhau,  đều tuỳ theo mức độ mà bị hình phạt nặng hoặc nhẹ)
          Sự cải cách này không chỉ đem kết cấu đại gia tộc truyền thống phân thành gia đình tiểu nông cá thể, mở rộng nguồn thu thuế cho nhà nước, mà còn xác lập cơ chế giải quyết lấy pháp luật thay thế cho việc đánh nhau trong những vụ tranh chấp, khiến cho:
Dân dũng vu công chiến, khiếp vu tư đấu (13)
民勇于公战, 而怯于私斗
(Dân dũng cảm đánh nhau vì việc công, khiếp sợ đánh nhau vì việc riêng)
Những điều đó đã thúc đẩy sự phát triển của xã hộ nước Tần.
          Do bởi thành tựu to lớn của biến pháp Thương Ưởng, nước Tần từ chỗ “di địch hoá ngoại chi bang” 夷狄化外之邦, một nước lạc hậu ở biên thuỳ phía tây đã nhanh chóng trở mình thành một nước tiên tiến. Mặc dù biến pháp xúc phạm đến lợi ích của thế lực cũ, sau khi Tần Hiếu Công qua đời, Thương Ưởng cũng bị xe xé xác, nhưng thành quả của biến pháp đã tạo điều kiện để nước Tần quật khởi và Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước. Như Hàn Phi 韩非 đã đánh giá:
Thương Quân tử nhi Tần pháp vị bại (14)
商君死而秦法未败
(Thương Quân mất nhưng biến pháp của nước Tần vẫn không bị phế bỏ)
          Trải qua biến pháp của Thương Ưởng, kinh tế nước Tần phát triển, xuất hiện cảnh tượng phồn vinh. Nhân dân cả nước xem việc đánh nhau vì việc riêng là nhục, xem chiến đấu lập công cho đất nước là việc vinh, quân đội không ngừng lớn mạnh, nước Tần với nước giàu quân mạnh đã trở thành nước mạnh nhất ở hậu kì thời Chiến quốc.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1), (2), (3), (5), (8), (9), (10), (11), (12), (13)- Sử kí – Thương Quân liệt truyện 史记 - 商君列传
(4)- Thương Quân thư – Cảnh nội 商君书 - 境内
(6), (7)- Thương Quân thư – Thưởng hình 商君书 - 赏刑
(14)- Trong Hàn Phi tử - Pháp định 韩非子 - 法定 ghi rằng:
          Cập Hiếu Công, Thương Quân tử, Huệ Vương tức vị, Tần pháp vị bại dã.
及孝公, 商君死, 惠王即位, 秦法未败也
          (Đến khi Hiếu Công, Thương Quân mất, Huệ Vương kế vị, biến pháp của nước Tần vẫn không bị phế bỏ)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn ngày 30 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
THƯƠNG ƯỞNG BIẾN PHÁP
商鞅变法
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm (李少林)
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post