Dịch thuật: Thứ bậc thế hệ ở tên các con cháu đời sau của Khổng Tử

THỨ BẬC THẾ HỆ Ở TÊN
CÁC CON CHÁU ĐỜI SAU CỦA KHỔNG TỬ

          Tộc phả của tộc họ Khổng là một tộc phả có thể nói là đã được bảo tồn lâu đời nhất và hoàn chỉnh nhất ở Trung quốc. Bắt đầu từ niên hiệu Nguyên Phong (元丰) thời Tống, tộc phả được thành lập, đến nay trải qua hơn ngàn năm thế mà phả hệ vẫn không hề rối loạn, quan hệ thân sơ của các chi phái vẫn theo đúng trật tự. Xét trên phạm vi toàn thế giới, bất luận là thời gian liên tục hay nội dung của tộc phả, tộc phả của tộc họ Khổng đều xứng đáng đứng đầu thế giới. Gia tộc của các Pha ra on, hoặc của nữ hoàng Alizabeth nước Anh đều không thể sánh lại.
          Khổng Tử (孔子) sinh năm 551 trước công nguyên, sau ông bảy đời đều đơn truyền, đến đời thứ tám trở đi mới dần đông lên, trải qua hơn 2500 năm, con cháu họ Khổng đã có mặt khắp nơi.
          Tộc phả họ Khổng lúc đầu chỉ ghi con cháu trực hệ, về sau sửa chữa bổ sung ghi cả tộc, các chi, các nhánh đều có. Trải qua các đời Nguyên, Minh, Thanh và thời Dân quốc, đều ghi liên tục, không bị gián đoạn, trước sau rất rõ ràng. Đặc biệt là sau khi có các chữ để xác lập, thứ bậc các thế hệ càng rõ. Tộc họ Khổng định ra thứ bậc bắt đẩu từ Khổng Tư Hối (孔思晦) thời hoàng đế Nhân Tông đời Nguyên. Khổng Tư Hối là cháu đời thứ 54 của Khổng Tử. Ông đề xuất những người thuộc thế hệ này thống nhất dùng chữ “Tư” () để đặt tên, đời thứ 55 dùng chữ “Khắc” (). Đến đời Thanh, niên hiệu Càn Long (乾隆) thứ 9, gia tộc họ Khổng định lại Tự bối phả (字辈谱) gồm 30 chữ:
Hy Ngôn Công Ngạn Thừa
Hoành Văn Trinh Thượng Diễn
Hưng Dục Truyền Kế Quảng
Chiêu Hiến Khánh Phồn Tường
Lệnh Đức Duy Thuỳ Hữu
Khâm Thiệu Niệm Hiển Dương
希言公彦承
宏闻贞尚衍
兴毓传继广
昭宪庆繁祥
令德维垂佑
钦绍念显扬
            Như vậy, với hậu duệ của Khổng Tử, chữ để đặt tên từ đời thứ 56 đến đời thứ 85 đã được xác định. Căn cứ vào tự bối phả này chúng ta có thể dễ dàng biết được Khổng Tường Hy (孔祥熙), một trong “Tứ đại gia tộc” thời kỳ Quốc dân đảng là hậu duệ đời thứ 75 của Khổng Tử, con là Khổng Lệnh Khản (孔令侃) là hậu duệ đời thứ 76, nữ sĩ Khổng Đức Mậu (孔德懋)  từng là uỷ viên ban chấp hành Hội nghị Hiệp thương toàn quốc, có viết quyển “Khổng phủ dật sự” (孔府轶事) là hậu duệ đời thứ 77.
          Đến năm 1920, 30 chữ trong tự bối phả đã sử dụng đến đời thứ 76, sau chữ “Lệnh” còn 9 chữ, Khổng Lệnh Di (孔令贻) đã đặt tiếp 20 chữ cho đời sau:
Kiến Đạo Đôn An Định
Mậu Tu Triệu Ích Thường
Dũ Văn Hoán Cảnh Thuỵ
Vĩnh Tích Thế tự Xương
建道敦安定
懋修肇益常
裕文焕景瑞
永锡世绪昌
          Như vậy, tên gọi theo thứ tự của hậu duệ Khổng Tử sẽ tiếp tục từ đời thứ 86 đến đời thứ 105, chỉ cần căn cứ vào chữ trong tự bối mà đặt tên. Với con cháu của Khổng Tử, bất luận là sinh sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước, chỉ cần nhìn vào tên là có thể biết được họ là hậu duệ đời thứ bao nhiêu của Khổng Tử.
                                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                                       Quy Nhơn, tháng 4/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ HẬU DUỆ DANH TỰ TRUNG ĐÍCH BỐI PHẬN
孔子后裔名字中的辈份
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  (张壮年)
               Trương Dĩnh Chấn  (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005.








Previous Post Next Post