Dịch thuật: Một số nhã hiệu của thi nhân đời Đường

MỘT SỐ NHÃ HIỆU CỦA THI NHÂN ĐỜI ĐƯỜNG


          Triều Đường là thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc, xuất hiện rất nhiều thi nhân tài hoa lỗi lạc. Các thi nhân nổi tiếng đời Đường đều có nhã hiệu, những nhã hiệu này dùng hai chữ để biểu thuật, rất tinh tế và cũng hàm chứa nhiều thi ý.
           Nhã hiệu của Lí Bạch (李白) là Thi tiên (诗仙)
          Thơ của Lí Bạch hùng kì hào phóng, sức tưởng tượng phong phú, mang sắc thái lãng mạn chủ nghĩa. Thi nhân Hạ Tri Chương (贺知章) rất tôn sùng thơ Lí Bạch, khi đọc đến bài Thục đạo nan (蜀道难) của ông, tuy chưa đọc hết đã vỗ án khen hay, cho rằng Lí Bạch là “Thiên thượng trích tiên nhân” (天上谪仙人), ý nói vị tiên từ trên trời giáng xuống. Cho nên người đời sau đều tôn xưng Lí Bạch là “Thi tiên”.
          Nhã hiệu của Đỗ Phủ (杜甫) là Thi thánh (诗圣)
          Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực chủ nghĩa vĩ đại thời trung Đường, Thơ của ông khí  thế hùng hồn, tình cảm sâu đậm, tính tư tưởng và tính nghệ thuật rất cao. Thơ của Đỗ Phủ là sự tả chiếu chân thực hiện trạng xã hội lúc bấy giờ, người đời sau gọi là thơ ông là “sử thi” (史诗). Vì mọi người tôn sùng thơ và phẩm cách của Đỗ Phủ nên đã gọi ông là “Thi thánh”.
          Nhã hiệu của Bạch Cư Dị (白居易) là Thi ma (诗魔)
          Thơ của Bạch Cư Dị ngôn ngữ lưu loát, thông tục dễ hiểu, già trẻ đều đọc được. Trong học tập và sáng tác, Bạch Cư Dị học rất chuyên cần, có nghị lực kinh người. Truyền thuyết kể rằng, lúc còn trẻ ông đọc sách đến nỗi “miệng lưỡi phồng rộp”. Làm thơ đến độ nhập ma, thường:
Cuồng tuý hựu dẫn thi ma phát
Nhật ngọ bi ngâm đáo nhật tây (1)
狂醉又引诗魔发
日午悲吟到日西
(Lúc cuồng say lại dẫn con ma thơ tới,
Buồn ngâm từ giữa trưa cho đến lúc mặt trời lặn về phía tây)
          Cho nên Bạch Cư Dị có nhã hiệu là “Thi ma”.
          Nhã hiệu của Lưu Vũ Tích (刘禹锡) là Thi hào (诗豪)
          Lưu Vũ Tích tính tình hào phóng, giỏi làm thơ châm biếm mang sắc thái chính trị. Thơ của ông trầm hùng, riêng một phong cách. Bạch Cư Dị rất ngưỡng  mộ tài thơ của ông, từng khen rằng:
          Bành Thành Lưu Mộng Đắc (Lưu Vũ Tích, Bành Thành nhân, tự Mộng Đắc), thi hào giả dã. Kì phong sâm nhiên, thiểu cảm đương giả.
          彭城刘梦得 (刘禹锡, 彭城人, 字梦得), 诗豪者也. 其锋森然, 少敢当者
          (Bành Thành Lưu Mộng Đắc (Lưu Vũ Tích người ở Bành Thành, tự là Mộng Đắc) là một thi hào. Ngọn  bút của ông sừng sững, ít người dám đương)
          Nhân đó Lưu Vũ Tích có nhã hiệu là “Thi hào”
          Nhã hiệu của Vương Duy (王维) là Thi Phật (诗佛)
          Vương Duy sùng tín Phật giáo, ngay cả tên của ông cũng bắt nguồn từ Phật Giáo, tên tự của ông là Ma Cật (摩诘), hợp danh và tự lại thành “Duy Ma Cật” (维摩诘). Hai chữ “Ma Cật” là dịch âm từ tiếng Phạn, ý nghĩa là “tịnh danh” (净名) hoặc “vô cấu” (无诟) (2). “Duy Ma Cật” nói gọn thành “Duy Ma” là tên của một vị bồ tát trong Phật giáo. Vương Duy làm thơ, đặc biệt là thơ sơn thuỷ thường dung hợp quan niệm tư tưởng Phật giáo, trong thơ ông hàm chứa những thiền lí Phật giáo huyền diệu, như:
Minh nguyệt tùng gian chiếu, (3)
Thanh tuyền thạch thượng lưu.
明月松间照
清泉石上流
(Trăng sáng chiếu qua rừng tùng,
Suối trong chảy qua ghềnh đá)

Nhân nhàn quế hoa lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không
人闲桂花落
夜静春山空
(Người nhàn, hoa quế rụng
Đêm yên tĩnh, núi mùa xuân vắng không)
          Độc giả thưởng thức thơ ông có thể lĩnh hội được ý cảnh đặc thù. Vì thế mọi người gọi Vương Duy là “Thi Phật”
          Nhã hiệu của Lí Hạ (李贺) là Thi quỷ (诗鬼)
          Thơ của Lí Hạ cấu tứ rất xảo diệu, khôi lệ tân kì. Trong thơ, ông thường dùng nhiều những chữ như: “quỷ”, “khấp”, “tử”,“huyết”. Lí Hạ rất có tài, 7 tuổi đã ứng khẩu ngâm thơ, nhưng vì tránh gia huý không được ứng thí nên tâm tình uất ức, 27 tuổi đã qua đời. Người đời bình rằng:
Lí Bạch thi tiên, Lí Hạ quỷ tài
李白诗仙, 李贺鬼才
          Người đời sau gọi Lí Hạ là “Thi quỷ”
          Nhã hiệu của Mạnh Giao (孟郊) và Giả Đảo (贾岛) là Thi tù (诗囚)
          Mạnh Giao và Giả Đảo đều thích viết loại thơ “khổ ngâm”, trong thơ nhiều cảnh hoang lương khô tịch, từ cú được dùng đa phần là loại “hàn khổ”, nên người đời đã bình rằng:
Giao hàn Đảo sấu
郊寒岛瘦
(Mạnh Giao lạnh lẽo, Giả Đảo gầy gò)
          Nguyên Hiếu Vấn (元好问) đời Kim trong bài thơ Phóng ngôn (放言) có nói về họ:
Trường Sa nhất Tương cảnh,
Giao Đảo lưỡng thi tù
长沙一湘景
郊岛两诗囚
(Ở Trường Sa có một Tương cảnh
Mạnh Giao Giả Đảo là hai thi tù)
          Cho nên Mạnh Giao và Giả Đảo có nhã hiệu là “Thi tù”
          Nhã hiệu của Đường Cầu (唐球) là Thi biều (诗瓢)
          Đường Cầu có một thói quen, đó là sau khi làm thơ xong, thích đem tờ giấy có viết bài thơ vo tròn lại bỏ vào trong một chiếc bầu. Về sau khi Đường Cầu bệnh, ông sai người đem chiếc bầu đó thả xuống Cẩm giang (锦江). Chiếc bầu trôi đến Tân Cừ (新渠) được một người chèo thuyền vớt lên. Sau khi đã chỉnh lí được đến mấy chục bài thơ. Vì thế người đời gọi Đường Cầu là “Thi biều”.

Chú thích của người dịch
(1)- Hai câu này trong bài Tuý ngâm nhị thủ (醉吟二首). Theo một số tài liệu, câu đầu là:
Tửu cuồng hựu dẫn thi ma phát
酒狂又引诗魔发

(2)- Chữ “cấu” ở đây viết với bộ “ngôn” (无诟).

(3)- Trong nguyên tác, câu này in nhầm là:
Minh nguyệt tùng vấn chiếu
明月松问照

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn ngày 30 tháng 4 năm 2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
THÚ ĐÀM ĐƯỜNG ĐẠI THI NHÂN ĐÍCH NHÃ HIỆU
趣谈唐代诗人的雅号
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  (张壮年)
               Trương Dĩnh Chấn  (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005


Previous Post Next Post